Xem xét thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 10 tỉnh
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, chiều 13/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 10 tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk và Trà Vinh.
Phiên họp thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: NĐ)
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết thành lập, nhập đơn vị hành chính đô thị của 9 tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn và Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Các địa phương đề nghị thành lập đơn vị hành chính đô thị của 9 tỉnh đều có vị trí giao thông thuận lợi, là trung tâm tổng hợp hoặc chuyên ngành của các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện mà đơn vị đó trực thuộc, có lợi thế trong phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Trong thời gian qua, các đơn vị hành chính của các tỉnh nêu trên đều có sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm chủ yếu và ngày càng tăng; thu ngân sách hằng năm đạt và vượt kế hoạch. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, nhiều tuyến đường giao thông, công trình công cộng được nâng cấp và xây mới, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện...
Căn cứ vào vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của các đơn vị hành chính nêu trên thì việc thành lập, nhập các đơn vị hành chính đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, quy hoạch, xây dựng, giao thông, bảo vệ môi trường… trên địa bàn là cần thiết; đáp ứng nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương.
Về sự cần thiết điều chỉnh địa giới hành chính của 2 xã Long Khánh và Ngũ Lạc thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (sáp nhập ấp Phước Hội thuộc xã Long Khánh vào ấp Mé Láng thuộc xã Ngũ Lạc), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: năm 2009, khi thi công dự án “Công trình Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu” trên địa bàn huyện Duyên Hải thì toàn bộ 3,13 km2 diện tích tự nhiên và 154 hộ với 490 nhân khẩu (97,6% là người Khơmer) của ấp Phước Hội thuộc xã Long Khánh bị chia cắt, biệt lập hoàn toàn với phần còn lại của xã Long Khánh bởi Luồng tàu rộng hơn 140m.
Từ đó đến nay, người dân ấp Phước Hội về trung tâm xã Long Khánh thực hiện các giao dịch hành chính phải đi vòng qua xã Ngũ Lạc gần 40 km (do không có đường bộ nối liền mà phải di chuyển bằng phương tiện thủy nhỏ lẻ qua Luồng với lưu lượng tàu, thuyền trọng tải lớn qua lại nhiều, tiểm ẩn nguy hiểm, rủi ro). Trong khi đó, ấp Phước Hội, xã Long Khánh có vị trí giáp với ấp Mé Láng, xã Ngũ Lạc, giao thông đi lại thuận tiện và có phong tục, tập quán, văn hóa tương đồng (cộng đồng người dân tộc Khơmer).
Vì vậy, việc điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã Long Khánh và Ngũ Lạc thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (sáp nhập ấp Phước Hội thuộc xã Long Khánh vào ấp Mé Láng thuộc xã Ngũ Lạc) là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân và công tác quản lý hành chính của chính quyền địa phương, phù hợp với định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, là nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
Thẩm tra các Đề án thành lập đơn vị hành chính (ĐVHC) đô thị và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tại 10 tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập một thành phố (Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương), 03 thị xã (Thuận Thành và Quế Võ thuộc tỉnh Bắc Ninh, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang), 34 phường (thuộc thành phố, thị xã của các tỉnh Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc) và 11 thị trấn (thuộc các huyện của các tỉnh An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk) cũng như việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và việc điều chỉnh địa giới của 02 ĐVHC cấp xã của tỉnh Trà Vinh với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Việc thành lập 04 ĐVHC đô thị cấp huyện và 45 ĐVHC đô thị cấp xã tại 9 tỉnh nêu trên sẽ làm tăng tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc lên thêm 0,47%, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45% theo yêu cầu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Qua thẩm tra, về tiêu chuẩn thành lập ĐVHC đô thị và việc điều chỉnh địa giới ĐVHC, căn cứ vào quy định tại Nghị quyết số 1211, Ủy ban Pháp luật thấy rằng: Đối với việc đề nghị thành lập 01 thành phố, 03 thị xã đã đáp ứng 5/5 tiêu chuẩn quy định (gồm tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số ĐVHC trực thuộc, phân loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội).
Đối với việc đề nghị thành lập 34 phường và 11 thị trấn đã đáp ứng 4/4 tiêu chuẩn quy định (gồm tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị (đối với phường), phân loại đô thị (đối với thị trấn)). Việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc tỉnh Thái Nguyên thuộc trường hợp khuyến khích theo quy định của Nghị quyết số 1211, nên không áp dụng quy định về tiêu chuẩn ĐVHC tại Nghị quyết này, nhưng nếu đánh giá thì thị trấn Quân Chu sau khi nhập xã Quân Chu vẫn đáp ứng 4/4 tiêu chuẩn quy định. Đối với việc điều chỉnh địa giới ĐVHC giữa xã Long Khánh và xã Ngũ Lạc thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, sau khi điều chỉnh, hai xã đều đáp ứng 2/2 tiêu chuẩn quy định (gồm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số).
Về điều kiện thành lập ĐVHC đô thị và việc điều chỉnh địa giới ĐVHC, việc thành lập ĐVHC đô thị và điều chỉnh địa giới ĐVHC tại 10 tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk và Trà Vinh đều bảo đảm 5/5 điều kiện quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về hồ sơ, trình tự, thủ tục, cơ quan thẩm tra đánh giá Hồ sơ các Đề án đã bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 133 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 29 của Nghị quyết số 1211. Các Đề án đều có kèm theo dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập, điều chỉnh các ĐVHC. Các Đề án đã được lấy ý kiến cử tri, lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân ở các ĐVHC chịu ảnh hưởng trực tiếp và được Chính phủ biểu quyết thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Nguồn dangcongsan.vn