Bài phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát triển Tây Nguyên xanh, giàu bản sắc văn hóa In trang
07/11/2022 03:14 CH

Tổng bí thư: Phát triển Tây Nguyên xanh, giàu bản sắc văn hóa

Tây Nguyên sẽ là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngày 14/10, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 và Kết luận của Bộ Chính trị, hạ tầng kinh tế - xã hội Tây Nguyên, nhất là giao thông đã được đầu tư, cải thiện kết nối giữa các tỉnh trong vùng và với cả nước. Một số địa phương phát triển bứt phá, tạo điểm sáng.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng vẫn thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại. Thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp, giảm nghèo chưa bền vững. Tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết.

Tỷ lệ che phủ rừng ở Tây Nguyên cũng giảm mạnh, không đạt được mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên bị xuống cấp cả về diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ suy giảm; nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Description: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhật Bắc

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhật Bắc

Vì vậy, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng và phát triển Tây Nguyên hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; đảm bảo quốc phòng, an ninh. Vùng cũng cần cơ cấu lại kinh tế, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.

Cùng với đó, rừng ở Tây Nguyên phải được khôi phục và phát triển, gắn với ổn định, nâng cao đời sống, sinh kế người dân. Một số lĩnh vực sẽ được ưu tiên phát triển như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm; hình thành các tuyến du lịch chuyên đề gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên.

Theo Tổng bí thư, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số sẽ được coi là động lực phát triển của vùng để đẩy nhanh kết nối với trung tâm kinh tế lớn cả nước và các nước tiểu vùng sông Mekong; đồng thời giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Description: Từ trái: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Phạm Minh Chính, dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Từ trái: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Phạm Minh Chính, dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ Chính trị xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững, dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc; là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Vùng sẽ phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế, gắn với các trung tâm chế biến.

Vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được giải quyết căn bản; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học, được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm...

Tầm nhìn đến năm 2045, Tây Nguyên phát triển bền vững, có kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh thuộc nhóm phát triển khá của cả nước; hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, các vùng sản xuất lớn cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa, trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước cũng được hình thành; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ; hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hoá được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển.

Description: Đại biểu dự hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, sáng 14/10. Ảnh: Nhật Bắc

Đại biểu dự hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, sáng 14/10. Ảnh: Nhật Bắc

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đổi mới tư duy phát triển, nhất là liên kết vùng, tiểu vùng; cơ chế, chính sách đặc thù; phân bổ nguồn lực; giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại Tây Nguyên. Bên cạnh đó, cần khơi dậy, phát huy lòng yêu nước, tinh thần chủ động, sáng tạo và ý thức tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây. Các địa phương phải khắc phục tư tưởng bị động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Trung ương.

Vùng cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải được đảm bảo chất lượng, số lượng, có sự chuyển giao, kế thừa giữa các thế hệ.

Tổng bí thư yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ nhanh chóng chỉ đạo xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết. Trước mắt, Chính phủ ưu tiên sớm hoàn thiện và ban hành Quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng xây dựng quy hoạch phát triển.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "tha thiết mong đợi và tin tưởng" các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tinh thần là "cả nước vì Tây Nguyên, Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước".

Tây Nguyên có diện tích 54.500 km2, gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Nơi đây có nhiều tài nguyên khoáng sản quý hiếm; có một triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ; hơn ba triệu ha rừng (chiếm gần 36% diện tích rừng ca nước); 10 tỷ tấn trữ lượng bô xít (90% trữ lượng cả nước).

Với dân số 6 triệu người thuộc tất cả 54 dân tộc, trong đó có 2,2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số như Ê đê, Mnông, Giarai, Bana, Tây Nguyên có giá trị lịch sử, văn hoá vật thể và phi vật thể vô giá như cồng chiêng, rượu cần, đàn Tơrưng, sử thi Đam San. Đây cũng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc", "nóc nhà của Đông Dương".

 

Lượt xem: 402
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000223664
  •  Đang online: 7
  •  Trong tuần: 1.685
  •  Trong tháng: 7.468
  •  Trong năm: 33.460