Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức tín dụng đối với phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, công tác phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh nói chung và trong Khối doanh nghiệp nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ, khắc phục.
Chỉ đạo đồng bộ, sâu sát, tạo sự đồng thuận
Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới; Nghị định 98/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính Phủ về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; Chương trình hành động số 47-Ctr/TU ngày 24/10/2017 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW; Chương trình hành động số 63-CTr/TU ngày 12/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể chính trị-xã hội trong các doanh nghiệp tư nhân; phát triển đảng trong khu vực kinh tế tư nhân và các văn bản chỉ đạo khác của Tỉnh ủy Lâm Đồng. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Coi trọng công tác phát triển đảng viên, đảm bảo số lượng, chất lượng. Đẩy mạnh Công tác phát triển đảng viên trong công nhân trực tiếp sản xuất, trí thức và doanh nhân”.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đảng ủy khối Doanh nghiệp xây dựng Kế hoạch số 39-KH/ĐU ngày 14/12/2017 về thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, ban hành Nghị quyết Số 04 - NQ/ĐUK, ngày 12/01/2022 về “tăng cường công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước và các tổ chức tín dụng”.
Để triển khai chủ trương trên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối kịp thời chỉ đạo cấp ủy các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, Đoàn thể chính trị - xã hội thuộc Khối tích cực tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Trung ương, của Tỉnh về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo tinh thần Nghị quyết Trung 5 khóa XII và vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng và của người đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc củng cố, phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân.
Trên cơ sở đó cấp ủy các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, Đoàn thể chính trị - xã hội thuộc Khối xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện; phân công các đồng chí trong cấp ủy nắm bắt tình hình trong các doanh nghiệp, làm việc với các chủ doanh nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận trong phát tiển tổ chức đảng, đảng viên và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
Kết quả bước đầu
Trong những năm quan Đảng ủy Khối Chỉ đạo cấp ủy cơ sở trong các doanh nghiệp tư nhân phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm việc làm, các chế độ chính sách có liên quan cho người lao động với mức thu nhập bình quân của người lao động cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, tích cực thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Đảng ủy đã chủ động tiến hành ra soát các doanh nghiệp tư nhân trong Khối, kiện toàn cấp ủy, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị có số lượng đảng viên ít, đảng viên hoạt động phân tán, bí thư cấp ủy không phải là chủ doanh nghiệp, các đơn vị nhiều năm liền chỉ dừng lại ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Chủ động nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động của doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng kết nạp đảng viên, xây dựng tổ chức đảng. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã phát triển được 8 tổ chức cơ sở đảng, kết nạp được 120 đảng viên trong các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân; năm 2020 – 2021 đã kết nạp được. Bên cạnh đó, Đảng ủy đã chủ động đề xuất, kiến nghị với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Đảng ủy khối Doanh nghiệp đã lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp liên doanh, liên kết, ưu tiên việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau để cùng phát triển, nhất là những sản phẩm đã có uy tín, chất lượng của các doanh nghiệp lãnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch, dược liệu, nông sản...Các ngân hàng thương mại thuộc Khối đã ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi việc cho vay đối với khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Khối như Công ty Xăng dầu Lâm Đồng, Công ty Điện lực Lâm Đồng, Viễn thông Lâm Đồng, Công ty cấp thoát nước Lâm Đồng, cấp thoát nước Di Linh, Bảo Lộc …đều hết sức tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân trong sản xuất, kinh doanh.
Những khó khăn, thách thức
Mặc dù vậy, khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh Lâm Đồng nói chung, các doanh nghiệp tư nhân thuộc Đảng bộ khối Doanh nghiệp nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Sản xuất, kinh doanh ở quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là hộ kinh tế cá thể, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ từ các hộ gia đình (các khách sạn, nhà hàng, hộ kinh doanh...), trình độ công nghệ, năng lực quản trị, năng lực tài chính chưa cao, còn kinh doanh theo hình thức ngắn hạn, không có những chiến lược dài hơi trong khi việc tiếp cận các chính sách, ưu đãi còn khó khăn. Nhiều chủ doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến việc thành lập tổ chức đảng, vì vậy tỷ lệ tổ chức đảng và đảng viên còn rất thấp. Nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân còn lúng túng, chất lượng sinh hoạt còn hạn chế, một bộ phận chủ doanh nghiệp tư nhân cũng như người lao động chưa thật sự “mặn mà” đối với việc được đứng trong hàng ngũ của Đảng, lo ngại việc sinh hoạt chi bộ, học tập chính trị ảnh hưởng đến thời gian sản xuất, kinh doanh.
Một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò, vị trí cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội trong đơn vị kinh tế tư nhân, để từ đó có những chính sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, nâng cao dịch vụ để kinh tế tư nhân tiếp cận được những sản phẩm có chất lượng cao như: dịch vụ tín dụng; điện, nước; viễn thông, nhiên liệu…
Thứ hai, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo phát triển kinh tế tư nhân theo hướng luôn luôn đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đổi mới phương thức truyền đạt nghị quyết, bồi dưỡng nhận thức về đảng, tổ chức học tập lý luận cho đảng viên mới; đổi mới trong việc phân loại, đánh giá tổ chức đảng và đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân; kiểm tra, giám sát tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân…
Thứ ba, lãnh đạo công khai, minh bạch các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân .Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Lâm Đồng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh tế tư nhân trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Hỗ trợ kinh tế tư nhân tăng cường năng lực tài chính, đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế tư nhân. Thường xuyên thực hiện việc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các đơn vị thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Nâng cao hiệu quả đầu tư công nhất là giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc. Thực hiện tốt việc công khai quy hoạch sử dụng đất. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thành công tác đo đạc cập nhật bản đồ, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo kế hoạch. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Thứ tư, tiếp tục quan tâm đến tài chính bền vững; thế mạnh của Lâm Đồng là nông nghiệp công nghệ cao và du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Khi các doanh nghiệp theo đuổi các tiêu chuẩn tài chính bền vững sẽ đảm bảo nông sản của Lâm Đồng sản xuất ra là nông sản sạch và môi trường thiên nhiên được bảo vệ, điều này vừa tạo uy tín - xác lập thương hiệu đặc biệt của hàng nông sản Lâm Đồng, lại vừa phát triển du lịch vì có nông sản sạch và môi trường trong lành, không những phục vụ trong nước mà cả khu vực và thế giới.
Thứ năm, tích cực thực hiện chủ trương phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là Ban quản lý các khu công nghiệp nắm tình hình các đơn vị kinh tế tư nhân đóng trên địa bàn, vận động chủ cơ sở để họ nhận thấy thành lập tổ chức đảng là cần thiết, tổ chức đảng không cản trở, mà trái lại cùng với đơn vị thúc đẩy sản xuất, cùng hướng tới sự phát triển, nâng cao doanh thu, lợi nhuận cho đơn vị cũng như đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đồng thời, tuyên truyền để người lao động tại các cơ sở kinh tế tư nhân hiểu và tự giác đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Thứ sáu, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân theo hướng ngắn gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm, bố trí thời gian sinh hoạt chi bộ linh hoạt không ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh. Xây dựng các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân vững mạnh để lãnh đạo đảng viên, người lao động; tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, của chủ doanh nghiệp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nơi doanh nghiệp đóng trụ sở. Thường xuyên sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương của Đảng về kinh tế tư nhân, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những đơn vị kinh tế tư nhân sản xuất kinh doanh có hiệu quả và làm tốt việc xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong đơn vị.
* Trần Văn Thế - UVBTV, Chánh Văn phòng