Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết đại hội Đảng bộ Tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ Tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ngày 22/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng ban hành chương trình hành động với 12 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Ảnh minh họa.
Ngoài những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khối Doanh nghiệp lần thứ VI, nhiệm kì 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối xác định một số mục tiêu sau:
1. Tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
2. Chương trình hành động là định hướng những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện trong 5 năm tới. Căn cứ những nội dung này và Chương trình hành động, chương trình công tác khác của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, các tổ chức đảng, cấp ủy đảng cụ thể hóa để tổ chức thực hiện.
3. Quá trình tổ chức thực hiện Chương trình hành động phải thường xuyên cập nhật, bổ sung nội dung các văn bản liên quan của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh; các sở, ban, ngành của tỉnh, cấp ủy địa phương; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng ủy Khối.
4. Triển khai thực hiện Chương trình hành động phải đặt trong bối cảnh chung của tỉnh; sát với thực tiễn kinh tế - xã hội; phù hợp điều kiện thực tế của các công ty, ngân hàng, đơn vị. Đảng ủy Khối và các Đảng ủy trực thuộc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm.
5. Phấn đấu hàng năm 100% cơ quan, doanh nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, trên 90% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nộp đầy đủ, kịp thời các loại thuế cho Nhà nước theo luật định; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có từ 1 đến 2 doanh nghiệp (có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Khối) có số thu nộp ngân sách cho tỉnh từ 1.000 tỷ đồng/năm trở lên; thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật; thu nhập của người lao động năm sau cao hơn năm trước.
6. Kịp thời quán triệt cho cán bộ, đảng viên và người lao động trong Khối Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI bằng nhiều hình thức phù hợp trong tình hình mới, đồng thời triển khai thực hiện và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
7. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngang tầm với vị trí, vai trò lãnh đạo toàn diện gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của doanh nghiệp tinh gọn, vận hành thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm. Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, trí tuệ; xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt của then chốt để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy tối đa các nguồn lực, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; hoàn thành tốt nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội; thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiên phong, đi đầu trong công nghệ số, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để hoàn thành các chỉ tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của cả nước; đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; tự cân đối được ngân sách và có điều tiết nộp ngân sách Trung ương; đến năm 2045 là tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
8. Tiếp tục lãnh đạo việc đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả tài sản, vốn, các nguồn lực, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững. Gắn trách nhiệm doanh nghiệp với bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hiện các chương trình an sinh xã hội.
9. Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Khai thác cơ hội thuận lợi thực thi các hiệp định thương mại tự do, hiệp định hợp tác mới; ứng phó có hiệu quả các biến động bất thường. Giữ vững, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
10. Tiếp tục xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp, xây dựng con người phát triển toàn diện. Xây dựng doanh nghiệp đồng thuận, kỷ cương, đoàn kết, văn minh; cung cấp các sản phẩm sạch, nâng cao giá trị tốt nhất cho khách hàng, đối tác và cổ đông; lấy mức độ hài lòng của khách hàng là sự tồn tại của doanh nghiệp.
11. Thường xuyên, chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tham gia xây dựng có chất lượng các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khi được các cấp có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến góp ý; về tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh; về trách nhiệm người đứng đầu; về bảo vệ người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích của doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị, cũng như lợi ích chung của Nhà nước và của nhân dân.
12. Kịp thời phát hiện, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, lực cản của cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào một số lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng; hoạt động theo cơ chế thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu các sản phẩm, bảo đảm uy tín và quyền lợi của người tiêu dùng, áp dụng cơ chế quản trị hiện đại, từng bước tiệm cận theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Củng cố lòng tin của xã hội đối với doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả, uy tín, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.
Trên cơ sở Chương trình hành động Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Ban thường vụ Đảng ủy đã chỉ đạo Cấp ủy, Đoàn thể CT – XH thuộc Khối xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp lần thứ VI và Nghị quyết Đại hội Đảng cấp mình.
(TVT – Văn Phòng Đảng ủy Khối)